Bước đầu giải mã đồ gốm ngự dụng của nhà vua, vương hậu và hoàng tộc
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành thì những đồ sứ cao cấp là đồ dùng của nhà vua đều được gọi là đồ ngự dụng. Những đồ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long luôn chứa nhiều bí ẩn cần được giải mã bởi rất ít thông tin, hình ảnh.
Sử cũ Việt Nam không có dòng mô tả nào về việc lập các lò quan chuyên chế đồ gốm phục vụ cho triều đình và nhà vua giống như Trung Quốc. Do đó, các thế hệ ngày nay không ai biết về lò quan và đồ ngự dụng. Thuật ngữ đồ gốm ngự dụng đối với các học giả Việt Nam dường như còn là một điều gì đó rất mới mẻ và khá xa lạ.
Vì thế, những đồ sứ cao cấp đích thực của Việt Nam trong Hoàng cung Thăng Long từ lâu chưa được nêu tỏ đúng mức với dư luận trong nước và thế giới. Các nhà nghiên cứu và sưu tập ở Việt Nam và trên thế giới dường như chưa có ý niệm về đồ gốm sứ Thăng Long hay những đồ sứ đích thực của Việt Nam được dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại. Người ta nói nhiều đến đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) hay biết đến những đồ sứ ký kiểu/đặt làm tại các lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) được dùng trong Hoàng cung Huế.
“Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích 18 Hoàng Diệu năm 2002-2004 đã tìm thấy một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác cùng vô số đồ dùng, vật dụng của Hoàng cung Thăng Long, trong đó có rất nhiều đồ gốm, gồm đồ gốm Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phát hiện quan trọng này đã minh chứng sinh động lịch sử tồn tại lâu đời của Kinh đô Thăng Long qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Từ đây, Kinh đô Thăng Long được biết đến nhiều hơn và với những giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu, khu di tích này đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
Và cũng từ những phát hiện quan trọng của khảo cổ học tại khu di sản này, lần đầu tiên giới chuyên môn mới tìm thấy những đồ gốm ngự dụng đích thực dành riêng cho các bậc đế vương dùng trong Hoàng cung Thăng Long”, PGS.TS Bùi Minh Trí chia sẻ.
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, sưu tập đồ gốm Việt Nam đào được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long gồm các sản phẩm được sản xuất tại các lò ở Thăng Long và cả những sản phẩm được mang đến từ các lò ở các tỉnh nằm ở ngoại vi Thăng Long. Sản phẩm gốm do các lò Thăng Long chế tác phần lớn đều có chất lượng cao và kỹ thuật sản xuất vượt trội so với các loại gốm của các lò bên ngoài Thăng Long.
Trong số đó, có những đồ gốm sứ cao cấp, được sản xuất dành riêng cho nhà vua, vương hậu và hoàng tộc hay dùng để trang hoàng nội thất các cung điện của nhà vua, giới chuyên môn thường gọi là Gốm cung đình hay Đồ gốm Hoàng cung.
PGS.TS. Bùi Minh Trí – Chuyên gia gốm cổ Việt Nam chia sẻ với Dân Việt rằng, tất cả những sản phẩm gốm cao cấp thời Lê sơ có đề chữ Quan và trang trí hình rồng chân có 5 móng đều là sản phẩm của lò quan Thăng Long và đó là đồ ngự dụng. Đồ ngự dụng được hiểu là đồ dùng, vật dụng dành riêng cho nhà vua.
Theo quan niệm cổ đại, để nói với ý tôn kính về những hoạt động hay những công việc, việc làm hoặc đồ vật của vua, người xưa thường dùng từ ngự. Ngự (御) trong chữ Hán có nghĩa là kẻ cầm cương xe; một nghĩa khác là cai trị tất cả.
Vua cai trị cả thiên hạ nên những hoạt động của vua, những gì do vua làm ra hoặc của vua đều gọi là ngự, như vua xem gọi là ngự lãm 御覽; vua thiết triều gọi là ngự triều 御朝; chữ viết của vua gọi là ngự thư 御書; bài văn do vua làm gọi là ngự chế 御製, rượu của vua gọi là ngự tửu 御酒… và những gì vua dùng được gọi là ngự dụng 御用.
Trong Từ điển Từ Hải, chữ ngự có rất nhiều nghĩa, trong đó nghĩa thứ 7 và thứ 8 có nói như sau: thứ gì tiến dâng vua gọi là ngự. Phàm y phục mặc vào người vua, thức ăn, thức uống đưa vào miệng, tỳ thiếp ngủ với vua trên giường đều gọi là ngự. Phàm vua làm việc gì đều gọi là ngự.
Quyền lực của vua qua hình tượng rồng trên đồ gốm ngự dụng
PGS.TS Bùi Minh Trí cũng cho biết, tiêu chí thứ hai quan trọng hơn trong việc nhận biết đẳng cấp cao sang của những đồ sứ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long, đó là hình Rồng.
Theo quan niệm cổ đại Trung Quốc, rồng là tượng trưng cho quyền đức của Hoàng đế. Biểu tượng linh thiêng và sức mạnh thần thánh của con rồng được học giả Jean Chevalier và Alain Gheerbrant bàn đến trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới.
Bát sứ trắng mỏng thấu quang in nổi hình rồng và chữ Quan thời Lê sơ, thế kỷ 15. Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành.
Nghiên cứu này khẳng định rằng, rồng là sức mạnh thần thánh, sáng tạo, là biểu tượng của đế vương. Nó tượng trưng cho các chức năng của vua chúa và là phù hiệu của hoàng đế, thể hiện quyền lực tối cao của Hoàng đế. Cho nên, trong quan niệm xưa, nhất là với Trung Hoa thì vua – rồng là một sự đồng nhất. Rồng là phù hiệu của Hoàng đế và Hoàng đế là rồng. Trừ vua chúa – giai cấp thống trị cao nhất, quan lại và dân thường đều không được sử dụng hoa văn rồng, phượng.
Trong Đại Minh Hội Điển quy định: “Quan lại, binh lính và dân thường nếu tiếm dụng đồ dùng có hình rồng rắn, bò đấu hay các đồ dùng màu đen hoặc tím sẽ bị xét tội như tiếm dụng hoa văn rồng phượng, bị tội chém đầu“. Bào phục của hoàng đế, hoàng hậu và vật dụng trong cung đều trang trí bằng hoa văn rồng, phượng.
Thời Lê sơ (1428-1527), triều đình tập trung xây dựng chế độ tập quyền với việc đề cao tam cương ngũ thường, thay thế chế độ quân chủ Phật giáo thời Lý -Trần bằng chế độ quân chủ Nho giáo. Vua với tư cách là “thiên tử” thay trời hành đạo; quyền lực của nhà vua là quyền lực mang tính tuyệt đối.
Theo đó, hình dáng con rồng, biểu trưng quyền lực của nhà vua cũng đã có nhiều thay đổi so với hình hình rồng thời Lý, Trần trước đó. Rồng thời Lê sơ thể hiện đầy sức mạnh, oai nghiêm và quyền thế, đặc biệt ở 4 chân đều mô tả đầy đủ 5 móng vuốt sắc nhọn, mang tính biểu trưng cho sức mạnh tối cao của hoàng đế giống như thời Minh – Thanh (Trung Quốc).
Ngoài đồ gốm ngự dụng, hình tượng rồng 5 móng còn nhận thấy rõ qua thềm bậc bằng đá rất đặc sắc ở nền điện Kính Thiên trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long hiện nay. Đây là dấu ấn còn lại của tòa điện thiết triều trong trung tâm Cấm thành của nhà Lê sơ.
Dựa trên các chuẩn mực biểu trưng quyền lực của hình tượng rồng thời Lê sơ phân tích ở trên, PGS.TS Bùi Minh Trí đã đề xuất khái niệm về đồ gốm cao cấp của Việt Nam chuyên chế cho nhà vua sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long gọi là đồ ngự dụng/đồ gốm ngự dụng. Đây là những đồ dùng vật dụng trong cung, phản ánh quyền lực/quyền uy và đẳng cấp cao sang, vượt trội so với đồ gốm của các tầng lớp trong xã hội đương thời.
Đặc biệt, khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã tìm được rất nhiều bằng chứng khẳng định sự tồn tại của các Lò quan. Đây là những lò gốm do triều đình sáng lập để chuyên chế tác đồ gốm phục vụ cho Hoàng cung Thăng Long trong suốt thời gian ngự trị của các vương triều, từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ, với lịch sử dài hơn 500 năm, trong đó khám phá quan trọng nhất là đồ gốm sứ thời Lê sơ (1428-1527).
Phát hiện quan trọng này cũng cho chúng ta có cái nhìn sâu hơn về phẩm cấp/đẳng cấp của các loại đồ gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long so với sản phẩm gốm được sản xuất ở ngoại vi Thăng Long.
Có thể nói rằng, những đồ sứ ngự dụng tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, không những cung cấp bằng chứng quan trọng trong việc nghiên cứu đồ gốm lò quan Thăng Long và đồ gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mà còn cho chúng ta có những cảm nhận chân xác và sâu sắc hơn về các loại hình đồ sứ ngự dụng dành riêng cho các vua chúa Đại Việt sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm