Bắt đầu là vào khoảng tháng 4 Âm lịch năm 1988.
Bầm tôi lên một mụn nhiệt trắng ở cạnh gốc lưỡi. Bầm không để ý đến vì nhà nông rất bận rộn. Năm đó lại là năm đói rài đói rạc, nông thôn vùng quê tôi rất khó khăn, phải kéo nhau lên những quả đồi ở xa làng để mót sắn về ăn.
Khoảng tháng 7 Âm lịch.
Khi cục nhiệt lên to và ngày càng đau hơn, bầm thi thoảng đá đá lưỡi rồi bâng quơ “Cục nhiệt đợt này lâu xẹp thế”. Bởi từ trước, bầm hay kêu bầm máu nóng hay mọc mụn nhiệt, anh em tôi thường xuyên bị mụn nhiệt nên khi nghe bầm kêu vậy, các con cũng chẳng để ý. Rồi bầm cũng cho đó là việc bình thường. Bỏ qua.
Tháng 9 Âm lịch.
Màu trắng cục nhiệt của bầm loang to hơn thành một vệt trắng tinh. Mỗi khi ăn cơm, bầm ngồi nhai rất lâu, rồi khó khăn nuốt từng miếng nhỏ. Chúng tôi nhìn thấy bầm như vậy mới bắt đầu quan tâm bằng cách đi hái những cây mát về cho bầm uống. Nào là rau má, rau diếp cá, lá tiết dê… Mỗi lần ép bầm uống hết một cốc nước mát (Dù bầm uống chẳng dễ dàng gì), chúng tôi lại tự an ủi nhau chắc sáng mai bầm sẽ đỡ. Y như rằng, hôm sau, khi các con xúm vào hỏi thăm, bầm gật gật đầu và nói “Lưỡi đỡ đau rồi, các con tiếp tục lấy lá cây mát cho bầm”. Nghe bầm nói vậy, đàn con vô tâm tưởng thật và tiếp tục “điều trị” cho bầm bằng hàng rổ rau diếp cá, rau má.
Thời gian lại trôi vèo hết tháng nữa. Lâu lâu không thấy bầm kêu đau, đàn con tưởng bầm đã khỏi mà không để ý bầm khi nói rất khó khăn.
Hôm đó, nhà có cục xương lợn hầm canh. Lâu lắm mới có chất tươi. Anh cả gắp cho bầm miếng sụn đã ninh nhừ, bầm vừa gắp đưa lại vào bát hai cậu con út vừa xuýt xoa “Ngon quá nhưng bầm không ăn được”. Tôi hỏi lại “Ơ, lâu lâu không thấy bầm kêu đau, chúng con tưởng bầm khỏi nhiệt rồi chứ”. Bầm vươn cổ nuốt miếng cơm có vẻ khó nhọc “Chắc mấy ngày nữa là khỏi thôi. Bầm thấy dưới chân nó đo đỏ rồi, dấu hiệu của mụn nhiệt sắp khỏi. Chả mấy khi có tí chất tươi, các con ăn đi”.
Ăn cơm xong, tôi sốt ruột lấy đèn pin bảo bầm há miệng soi vào. Tôi giật mình. Cái mụn nhiệt đã to bằng đầu ngón tay trỏ, xung quanh lổn nhổn những cục “mụn nhiệt” bằng những hạt đỗ màu trắng, màu hồng. Tôi vội cho ngón tay sờ chỗ mọc “mụn nhiệt” mà có cảm giác lưỡi bầm bị cứng lại. Thế là mấy anh em quyết định đưa bầm đi bệnh viện huyện khám. Sau khi khám xét kỹ càng, họ giới thiệu về Bệnh viện K Trung ương. Cả lũ con của bầm bàng hoàng với kết quả xét nghiệm: Bầm bị ung thư lưỡi đã di căn và vào giai đoạn cuối.
Cả nhà náo loạn chỉ dám nói với bầm rằng bầm bị viêm lưỡi. Sau khi đưa bầm vào điều trị, chúng tôi ngồi với nhau ngoài hành lang khóc ròng. Cả lũ lo lắng, đau đớn, ân hận. Lúc đó bầm vẫn tỉnh táo như không. Thấy các con vẻ mặt căng thẳng, bầm động viên lại “Bầm chỉ bị viêm lưỡi, một thời gian sau lại khỏi. Bầm không lo thì thôi, chứ các con lo lắng gì!”. Trời ơi! Bầm tin vào lời nói dối của các con! Lòng chúng tôi đau nhói mà vẫn phải gượng cười với bầm.
Hơn 1 tháng bầm nằm điều trị tại Bệnh viện K là chuỗi ngày lo lắng, sợ hãi nhất đời của chúng tôi. Được điều trị ở viện, bầm đã đỡ đau hơn, nhưng giọng nói bị méo rồi dần dần chỉ ú ớ. Khối u đến thời gian phát triển rất to. Các bác sĩ “tư tưởng” trước cho chúng tôi, rằng khối u đã di căn sang má, hàm, họng và giờ di căn rất nhanh xuống các hạch, gan, phổi… tiên lượng tử vong rất gần. Gia đình nên đưa bà về nhà.
Từ khi bệnh viện trả về, bệnh bầm càng tiến triển nhanh. Bầm không nói được, chỉ cầm bút viết nguệch ngoạc “Bầm sợ chết. Tìm thầy lang cho bầm!”. Vậy nên, nghe tin bất cứ đâu có thầy lang hay, chúng tôi đều đến mời về nhưng cố đút thuốc cho bầm được vài ngày thấy không đỡ, bầm lại bắt gọi thầy khác. Khối u giờ sưng to, nhìn bầm như người bị bướu cổ to, phần cằm gắn liền với ngực, đau đớn vô cùng. Cơ thể bầm không dung nạp được bất cứ chất gì vào người nữa. Anh em tôi lo lắng. Bố mất vì tai nạn đã hơn 10 năm khi bầm vừa sinh đôi hai đứa út. Một mình bầm chèo chống nuôi cả đàn con lớn lên trong nghèo khó. Giờ bầm bị bệnh, cả đàn con quặn thắt ruột gan vì thương bầm, vì nghĩ đến cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ khi có những đứa em mới hơn chục tuổi.
Không khí Tết lúc này đã tràn ngập khắp nơi. Rải rác tiếng pháo đì đùng khắp làng trên xóm dưới. Nhưng nhà tôi lặng ngắt buồn lo. Hàng xóm chạy đi chạy lại hỏi han rồi ai về nhà nấy lo Tết. Đêm 29 tháng Chạp, bầm mệt quá. Các con cũng vừa thiếp đi, khoảng 2 giờ sáng, đang mơ màng trong giấc ngủ, tôi thấy có tiếng rên khe khẽ vội mở bừng mắt nhìn sang bầm. Cái khối u đó vỡ ra máu chảy. Cả nhà cuống cuồng chạy đi gọi anh y sĩ trạm xá đến cầm máu, nhưng không thể cầm được. Lúc đó, bầm lại rất tỉnh táo. Sáng hôm sau, 30 tháng Chạp, tất cả các anh em dâu, rể bám xung quanh giường bầm. Anh cả nức nở “Thưa bầm! Từ trước tới nay chúng con đã nói dối bầm bị viêm lưỡi. Thực ra, bầm bị ung thư lưỡi. Bệnh bầm nặng quá! Chúng con rất ân hận vì không quan tâm ngay từ đầu, để đến khi bầm phát bệnh mới đi viện thì không còn chữa được nữa. Bầm tha lỗi cho chúng con”.
Bầm nghe và hiểu hết. Bầm đăm đăm nhìn vào từng đứa con, ánh mắt dừng lâu nhất vào hai đứa út mới 13 tuổi. Rồi bầm ứa nước mắt, nấc lên. Mỗi lần bầm nấc, máu lại ứa ra. Chúng tôi không ai dám rời khỏi giường bệnh của bầm. Cũng buổi sáng hôm đó, bầm tôi vĩnh viễn ra đi.…
Câu chuyện xảy ra đã 34 năm mà anh em tôi vẫn nhớ từng chi tiết. Nỗi ân hận về sự vô tâm của mình đã dẫn đến việc bầm mắc bệnh lâu mới đi viện luôn vò xé chúng tôi. Ngày 30 tháng Chạp hàng năm là ngày giỗ bầm, ngày kỷ niệm đau thương của gia đình. Chắc rằng ở nơi xa lắm, bầm không hề oán trách lũ con vô tâm của bầm và vẫn dõi đôi mắt che chở và vị tha theo chúng tôi.
Tết đến xuân về, 30 năm có lẻ chúng con vắng bóng bầm và ngày 30 tháng Chạp năm 1988 mãi nhắc nhở chúng con về một thông điệp: Hãy quan tâm đến người thân hơn nữa dù chỉ là lời kêu đau nhẹ. Vì rất có thể cái sảy nảy cái ung!
Có thể vì đó mà chúng tôi không bao giờ gọi ngày 30 tháng Chạp là ngày 30 Tết như bao người chăng?
Cuộc thi “Ký ức Tết trong tôi” của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí – BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email [email protected] trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 – 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề “Bài dự thi “Ký ức Tết trong tôi” của báo Dân Việt“, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm