Bên cạnh làng quê nhộn nhịp xe cộ, nhà cao tầng san sát của xóm Chùa (xã Xuân Lũng), chùa Phổ Quang vẫn giữ nguyên được vẻ trầm mặc, thanh tịnh khiến ai đến đây cũng thấy tâm tịnh, khoan thai. Theo sách Văn hóa dân gian vùng đất Tổ, chùa Phổ Quang được ông bà Nguyễn Chiên và Nguyễn Nạp quyên góp tạo dựng vào năm 1386 (thời Lý – Trần).
Trải qua hơn 700 năm, với bao biến cố thời gian, chiến tranh, nhưng chùa Phổ Quang vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá từ thời Trần. Trong đó phải kể đến Bàn thờ Phật bằng đá được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia vào cuối năm 2021.
Theo đánh giá, đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, mang giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật.
Theo thầy Thích Phổ Quang – trụ trì chùa Phổ Quang, chùa được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 4.000m2, từ thời vua Trần Huệ Tông. Ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ công, lợp ngói phượng, giật theo 2 cấp, cấp trên cao hơn cấp dưới khoảng 1m. “Chùa Phổ Quang thờ 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo. Chính vì vậy, chùa có nhiều nét nghệ thuật kiến trúc của cả 3 tôn giáo trên. Đây cũng là nét riêng biệt mà không phải ngôi chùa nào trên đất nước Việt Nam này có được” – thầy Thích Phổ Quang chia sẻ.
Cũng theo thầy Thích Phổ Quang, chùa Phổ Quang hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá từ thời Trần còn sót lại. Trong đó phải kể đến bàn thờ Phật được ghép từ 71 viên đá xanh có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Bàn thờ Phật bằng đá được các nghệ nhân đục đẽo theo hình chữ nhật giống chiếc thuyền. Bàn thờ Phật cao 1,05m, rộng 1,23m, có kết cấu 5 tầng.
Bàn thờ Phật bằng đá được đục đẽo tỉ mỉ, miêu tả sinh động cuộc sống trần thế qua các họa tiết dân gian như: Cá lượn, sư tử vờn hoa, hoa hải đường nở. Bốn góc ban thờ ở tầng thứ ba có bốn linh điểu vững chãi, mặt hình nhân, trán khắc chữ vương, dưới ngực có lá đề cách điệu, chân thắt hoa. Dưới chân bệ kiểu chân quỳ, bốn góc chạm mây…
“Đây là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng “Sư tử hí cầu” và “Cá hóa rồng” trong mỹ thuật cổ. Đến nay, chưa từng phát hiện thêm hiện vật thứ hai có cùng niên đại, gắn với các đồ án chạm khắc trang trí này”- trụ trì Thích Phổ Quang cho biết thêm.
Với bàn tay tài hoa, các nghệ nhân xưa đã để lại cho đời một cổ vật hết sức độc đáo, mang giá trị mỹ thuật, kỹ thuật cũng như tính triết lý sâu sắc. Đồng thời, bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang đã thể hiện sự kết hợp hài hòa trong nghệ thuật chạm khắc cổ với những họa tiết hoa văn trang trí gắn với thế giới Phật giáo để mô tả hình ảnh cuộc sống cư dân miền trung du. Thông qua đó phản ánh cuộc sống hiện thực và nét đặc trưng của vùng Trung du Bắc Bộ và đất Tổ Hùng Vương.
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm