Cao Thái Hà trong Bão ngầm
Cao Thái Hà thể hiện sự cố gắng của mình với vai thiếu úy Hạ Lam dũng cảm và gan dạ trong Bão ngầm. Là phái nữ nhưng Cao Thái Hà không ngại tự mình thể hiện nhiều cảnh hành động mà không cần dùng tới diễn viên đóng thế. Cùng với ngoại hình xinh đẹp, thiếu úy Hạ Lam chắc chắn là một trong những nữ công an đáng nhớ nhất màn ảnh Việt. Tuy nhiên, điểm trừ của Cao Thái Hà trong phim có lẽ đến từ giọng lồng tiếng miền Bắc có phần khiên cưỡng và gượng gạo.
Nhiều khán giả xem Bão ngầm nhận xét, giọng lồng tiếng khiến cho diễn xuất của Cao Thái Hà bị giảm đi sức hút rất nhiều, không hề hợp với biểu cảm mà cô thể hiện cho Hạ Lam. Bão ngầm được quay vào thời điểm 2018, lúc đó cách làm phim truyền hình chưa có nhiều khác biệt. Còn hiện tại, nhiều bộ phim với dàn diễn viên miền Nam – Bắc kết hợp mà không cần lồng tiếng.
Baggio trong Chạm tay vào nỗi nhớ
Chạm tay vào nỗi nhớ được coi là một điểm nhấn thú vị trong dòng phim hình sự trên màn ảnh Việt. Bộ phim khai thác câu chuyện của những chiến sĩ công an tập sự, họ đang học tập để trở thành những chiến sĩ tương lai, góp sức vào công cuộc gìn giữ trật tự xã hội.
“Hotboy” Baggio vào vai Quân, chàng công tử ngỗ ngược dần thay đổi trong quá trình học tập và trở thành một chiến sĩ công an. Tuy nhiên, điểm trừ của nhân vật này đến từ giọng lồng tiếng miền Bắc, bị khán giả nhận xét là “quá già” so với khuôn mặt trẻ trung, điển trai của Baggio. Chính vì thế, những cảnh phim mà nhân vật Quân đối mặt và đe dọa bọn tội phạm cũng thể hiện thiếu tự nhiên, hấp dẫn vì giọng lồng tiếng bị nhận xét là “giả trân”, không cảm xúc.
Hải Anh trong Quỳnh búp bê
Quỳnh búp bê là bộ phim táo bạo về mặt tối xã hội, đi sâu vào góc khuất của những cô gái làm nghề mại dâm. Quỳnh búp bê có nhiều vai diễn gây “bão” như Cảnh (Doãn Quốc Đam), My Sói (Thu Quỳnh) nhưng riêng vai Thịnh của Hải Anh lại bị chê là thảm họa về diễn xuất. Nhiều khán giả nhận định, nam diễn viên thể hiện một màu, biểu cảm giống nhau trong mọi phân cảnh.
Thịnh (Hải Anh đóng) cũng là nhân vật duy nhất phải lồng tiếng khi các vai khác trong phim thu tiếng đồng bộ. Giọng lồng tiếng cũng tương đối lộ, làm cho nhân vật này bị giảm sức hút rõ rệt, mặc cho đạo diễn muốn xây dựng Thịnh như một “soái ca” đến cứu giúp cuộc đời Quỳnh (Phương Oanh) thoát khỏi những tối tăm cuộc đời.
Dàn diễn viên trong Zippo, mù tạt và em
Bộ phim truyền hình Zippo, mù tạt và em lên sóng vào năm 2016 đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, đạo diễn Trọng Trinh đã thành công khi khắc họa cuộc sống của lớp thanh niên trẻ hiện nay như họ yêu và sống chân thành, có cá tính. Tuy trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng, nếu yêu nhau thì họ cũng sẽ về bên nhau.
Dù vậy, một số nhân vật ở Đà Nẵng trong khi toàn bộ diễn viên đều nói giọng Bắc khiến phim bị chê là giả tạo. Thêm nữa, đoàn làm phim chọn một người lồng tiếng cho hai diễn viên cùng đóng một nhân vật. Nhân vật Sơn (Bình An – Mạnh Trường), Lam (Nhã Phương – Lã Thanh Huyền) hay Huy (Anh Tuấn – Hồng Đăng) cùng một giọng nói khiến cho phim bị nhàm. Vì sau 6 năm giọng nói nhân vật không thay đổi khiến cho người xem có cảm giác đang xem phim hoạt hình. Qua nhiều năm, thậm chí thay cả diễn viên mà giọng lồng tiếng nhân vật vẫn thế, không có sự khác biệt.
Dàn diễn viên trong Người phán xử
Người phán xử (ra mắt năm 2017) đem đến góc nhìn trái ngược khi mô tả lối sống, tư tưởng của giới tội phạm trong một bộ phim hình sự. Ở đó nổi bật có những nhân vật gây ảnh hưởng lớn như ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) hay Phan Hải (Việt Anh) – con trai ngỗ ngược của Phan Quân. Bộ phim đem về rating kỷ lục năm đó dù còn gây không ít tranh cãi về mức độ bạo lực.
Trong thời gian phim lên sóng, phía sản xuất đưa ra quyết định khá “khó hiểu” khi bắt đầu từ tập 16, khán giả xem truyền hình ở khu vực miền Bắc sẽ được xem phim với bản gốc – giọng nói thật của các diễn viên được thu trực tiếp. Còn khán giả ở khu vực phía Nam sẽ xem phim phiên bản giọng miền Nam.
Ngoài số ít khán giả thích thú với sự thay đổi này thì phần lớn người xem đều tỏ ra khó chịu khi xem phim phiên bản lồng tiếng. Trên những diễn đàn giải trí, có người đăng tải đoạn video cuộc trò chuyện giữa cha con Phan Quân – Phan Hải với giọng miền Nam kèm chia sẻ: “Khi phim Người phán xử lồng tiếng kiểu phim Hong Kong gây cười đau bụng”. Thậm chí, có khán giả còn chia sẻ việc bản thân phải tắt tivi vì không chịu nổi cách lồng tiếng làm mất đi sự kịch tính, hấp dẫn của một bộ phim hình sự “nghẹt thở” như Người phán xử.
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm