Stephen Hawking (1942 – 2018) là nhà vật lý lý thuyết vĩ đại thế kỷ XX người Anh. Ông vĩ đại ở những khám phá khoa học về vũ trụ và ở chính cuộc đời mình. Ở tuổi hai mươi, sau khi đã tốt nghiệp Đại học Oxford và bắt đầu làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về vật lý tại Đại học Cambridge thì ông bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo – chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS) làm suy thoái dần các neuron vận động. “Trong trường hợp của Stephen, căn bệnh khởi phát từ chân rồi lên cao dần. Khi mất điều khiển cơ đùi, ông không thể đứng được. Khi mất điều khiển cơ ở thân, ông cũng không tự ngồi được nữa. Khi căn bệnh tấn công đến ngực, ông bắt đầu thấy khó thở. Vào năm 1985, khi ở tuổi tứ tuần và đã chịu đựng căn bệnh trong hai mươi năm, ông phải làm phẫu thuật mở khí quản tạo lỗ thở khiến ông không còn nói được nữa. Trí óc ông vẫn làm việc một cách hoàn hảo, chỉ có cơ thể mang nó là trở nên trơ ỳ.”
Ông được các bác sĩ chẩn đoán là chỉ sống được ít năm nữa. Nhưng lạ kỳ ông đã sống thêm hơn nửa thế kỷ, mặc dù phải gắn toàn bộ cuộc sống của mình với chiếc xe lăn, với đội ngũ những người chăm sóc phục vụ các nhu cầu cá nhân hàng ngày của ông. Nhưng thể chất bệnh tật tưởng hạ gục ông thì ngược lại đã thôi thúc ông càng đi sâu vào vật lý học và có những khám phá lớn lao cống hiến cho khoa học, cho con người.
Ông nói: “Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta sẽ chết. Đối với đa số, đó là một ý nghĩ trừu tượng. Đối với tôi thì không.” Và tên tuổi Stephen Hawking đã trở nên vang dội thế giới khi ông viết cuốn sách “Lược sử thời gian” trình bày dưới dạng phổ biến khoa học những khám phá vật lý hồi đầu sự nghiệp của mình. Cuốn sách đó xuất bản lần đầu năm 1988 khi Hawking 46 tuổi và đã nhanh chóng trở thành sách bán chạy thế giới. Chỉ tính riêng ở nước ta “Lược sử thời gian” qua bản dịch của Phạm Văn Thiều in lần đầu năm 1993 đến 2021 đã in đi in lại 28 lần. Cứ tính mỗi lần in là 2000 bản thì đến nay ở Việt Nam đã có 56.000 ấn bản công trình này của S. Hawking được phát hành.
STEPHEN HAWKING, MỘT HỒI ỨC VỀ TÌNH BẠN VÀ VẬT LÝ HỌC
Tác giả: Leonard Mlodinow
Dịch giả: Phạm Văn Thiều (tiếng Anh)
Nhà xuất bản Trẻ, 2021
Số trang: 311 (khổ 14,5×20,5cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 120.000
Leonard Mlodinow, tác giả cuốn hồi ức về Stephen Hawking, cũng là một nhà vật lý lý thuyết. Hawking đã đọc những cuốn sách do Mlodinow viết và thấy thích cách viết của ông nên năm 2003 đã mời ông cùng viết một cuốn sách chung về vật lý. Đó là cuốn “Bản thiết kế vĩ đại” (The Grand Design). “Đây là về công trình mới nhất của Stephen, và chúng tôi bắt đầu từ số không, viết về những lý thuyết mà ông chưa bao giờ phổ biến trước đó – đã thế chúng tôi lại phải đề cập đến một số vấn đề khá phức tạp. Nào là các vũ trụ song song, rồi ý tưởng cho rằng có thể xuất hiện từ hư vô, và thực tế là các định luật của tự nhiên dường như được điều chỉnh cực kỳ tinh tế chỉ để cho sự sống tồn tại.” Cuốn hồi ức này là kể về tình bạn, sự gắn bó và sự hợp tác đó của S. Hawking và L. Mlodinow trong quá trình viết và hoàn thành bản thảo cuốn “Bản thiết kế vĩ đại” qua những chuyến đi lại gặp gỡ Stephen của Mlodinow từ California (Mỹ) đến Cambridge (Anh) từ 2003 đến 2010.
Cuốn sách được L. Mlodinow viết đan xen những vấn đề vật lý mà S. Hawking nghiên cứu và những chuyện cuộc sống của ông mà tác giả quan sát thấy được trong mấy năm gặp gỡ hợp tác viết sách. Bằng cách trình bày đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác khoa học, tác giả giúp người đọc biết được sự nghiệp khoa học của Hawking trong lĩnh vực vật lý lý thuyết khi tiếp tục phát triển, đào sâu những nghiên cứu của nhà bác học vĩ đại thế kỷ XX A. Einstein để lại trong lý thuyết tương đối hẹp và rộng. Chẳng hạn chúng ta sẽ có ý niệm về vũ trụ học top-down (từ trên xuống) là gì, “bức xạ Hawking” là gì. Rộng ra ở phương diện khoa học cuốn sách của L. Mlodinow còn cho người đọc thấy toàn cảnh bức tranh vật lý lý thuyết ở thế kỷ vừa qua, hiểu được công việc của các nhà vật lý lý thuyết là gì.
Trong phần hồi ức về Hawking, Mlodinov đã cho ta biết được nhà vật lý lớn này là con người thế nào trong đời sống, trong quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, từ đó hiểu được vì sao tuy thể chất đau yếu đến khó hình dung nhưng ông vẫn làm việc, vẫn nghiên cứu khoa học miệt mài và có được những thành công lớn lao. “Có rất nhiều từ có thể dùng để mô tả Stephen. Dũng cảm. Ương ngạnh. Hoài nghi. Có tầm nhìn. Đam mê. Tay chơi. Quyết đoán. Thích vui vẻ. Xuất sắc. Nhưng khi bạn đã biết ông một cách gần gũi hơn, bạn mới nhận ra rằng cái đặc trưng nhất cho toàn bộ con người ông là dễ bị tổn thương. Các tuyến mồ hôi có thể hành hạ ông. Cái lỗ thở có thể khiến ông chết ngạt. Bạn bè hoặc ngay cả vợ ông cũng có thể phản bội ông. Ông bị phó mặc cho mọi người và mọi thứ, và khi quan hệ của chúng tôi trở nên sâu đậm hơn, tôi càng khâm phục sự ung dung vui vẻ chấp nhận điều đó của bản thân ông.” (tr. 242).
Mlodinow kể về cuộc sống hôn nhân của Hawking, về gia đình “cơi nới” của ông khi hai vợ chồng chưa ly hôn nhưng đã cho tình nhân của cả chồng và vợ cùng sinh hoạt trong nhà. Về Diana, nguyên là người chăm sóc của Stephen, người mà Stephen thích nghe cô đọc sách, chơi đàn dương cầm, người biết cách gắn kết tâm hồn với Stephen. “Ông ấy có gương mặt biểu cảm nhất thế giới.” – Diana đã có lần nói với Mlodinow như vậy bằng một giọng nói đầy yêu thương. “Lông mày ông ấy động đậy ở đây, còn đôi môi thì mấp máy ở kia. Tôi biết rõ ông ấy đến mức có thể theo dõi được ý nghĩ của ông. Tôi có thể viết cả cuốn sách chỉ nói về làm thế nào để giao tiếp với Stephen.” Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ với Jane và Elaine, Stephen đã quyết định cầu hôn Diana. Nhưng rồi ông đã rút lại lời cầu hôn đó vì muốn giữ hoà khí với các con mình. Tuy vậy Diana vẫn được giữ lại chiếc nhẫn cầu hôn của Stephen.
Cuốn hồi ức về tình bạn và vật lý học với Stephen Hawking của Leonard Mlodinow đọc hấp dẫn cuốn hút. Đọc hết cuốn sách người đọc thấy ra Hawking như tác giả đã thấy ra: “Stephen không chỉ tìm kiếm các bí mật của vũ trụ. Mà ông tìm kiếm con người để cùng ông chia sẻ.” Đó là nhờ cách viết của tác giả. Nhưng cũng là nhờ bản dịch tiếng Việt của dịch giả. Bản thân là nhà vật lý lý thuyết nên Phạm Văn Thiều đã biết chuyển tải được những tri thức khoa học về các lý thuyết vật lý bằng những thuật ngữ, tên gọi chính xác, phù hợp. Ông là một trong những người sáng lập và là dịch giả chính của tủ sách “Khoa học & Khám phá”. Nhiều sách khoa học và phổ biến khoa học nổi tiếng thế giới đã được Phạm Văn Thiều chuyển ngữ tiếng Việt trong sáng, đầy chất khoa học và chất văn chương, đọc thích.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 19/5/2022
Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm