Kể chuyện làng: Xứ lục bình

Tôi nhớ người dân quê tôi hay nói vui với nhau “Xứ mình cái gì thiếu chứ lục bình thì không thiếu à nhen, đâu đâu cũng thấy lục bình”. Vì vậy, tôi hay giới thiệu bạn bè bốn phương rằng xứ tôi là xứ lục bình.

Kể chuyện làng: Xứ lục bình - Ảnh 1.

Ngó lục bình.

Kể chuyện làng: Xứ lục bình - Ảnh 2.

Nghề cắt lục bình. Ảnh: Diệp Linh

Lục bình thường gọi là bèo Tây hay bèo Nhật Bản, có rất nhiều ở miền sông nước. Khi xưa, lục bình chỉ là loài thủy sinh, thân thảo không hữu dụng nhưng là hình ảnh quen thuộc với bà con đồng bằng sông Cửu Long. Vì thế, mới có câu ca: 

“Nước chảy liu riu, lục bình trôi riu ríu,

anh thấy em nhỏ xíu anh thương….”

Tôi nhớ hồi nhỏ, trước nhà có con kênh lớn, lục bình hay tấp đầy kênh. Mỗi dịp nghỉ hè, những đứa trẻ như tôi hay ra kênh để ngắt ngó lục bình đem về cho má tôi chế biến các món ăn dân dã. Thời đó, ngó lục bình hầu như hiện diện thường xuyên trong mâm cơm gia đình của người dân nghèo ở vùng quê sông nước.

Kể chuyện làng: Xứ lục bình - Ảnh 3.

Tạo khung cho vật dụng làm từ lục bình.

Thỉnh thoảng những ngày mưa, má hay kêu tôi ra kênh cắt ngó lục bình về xào mớ tép đồng mà tía tôi đi đổ sờ di, đặt lợp tép về. Cách làm món ngó lục bình xào tép đồng đúng kiểu miệt vườn cũng không quá cầu kì. Má nói, để món ăn thật ngon khâu chọn ngó rất quan trọng, phải chọn những ngó non tơ xanh mơn mởn. Ngó lục bình mang về, cắt thành từng khúc ngắn, rửa sạch với nước muối pha loãng, sau đó bóp cho ráo nước. Mớ tép đồng còn tươi rói, má ướp chút tiêu, hành, tỏi, nước mắm ngon rồi cho vào chảo nóng xào cho săn lại. Sau đó, cho tất cả lục bình vào, tiếp tục xào thật đều và nêm nếm cho vừa miệng trước khi đặt xuống bếp, cho ra đĩa. 

Món ăn này kèm thêm chén nước mắm cá linh, dầm chút ớt hiểm xanh cay tê đầu lưỡi sẽ trở nên hoàn hảo khi ăn cùng cơm trắng nóng hổi. Hương thơm quyến rũ cùng vị ngọt đồng quê hòa huyện vào nhau đã khiến món ăn dân dã trở thành đặc sản riêng, rất thi vị. Vì vậy, dân quê tôi có câu:

“Lục bình trôi dọc triền sông

Hái vào xào tép ngọt lòng dân quê”

Kể chuyện làng: Xứ lục bình - Ảnh 4.

Lục bình trước nhà tôi. Ảnh: Diệp Linh

Dân thị thành còn khá xa lạ với những món ngon làm từ lục bình. Tuy nhiên, giờ đây các món ăn từ ngó lục bình cũng đã xuất hiện trong thực đơn của một số nhà hàng với nhiều cách chế biến đa dạng như ngó lục bình luộc chấm mắm kho, cá kèo kho lạt, làm gỏi ốc gạo, nấu canh chua lươn, canh chua cá lóc… Nhưng dù chế biến theo cách nào thì chính sự dân dã, mộc mạc cùng hương vị tinh túy của hương đồng cỏ nội nơi miền quê cũng đủ làm lưu luyến, say lòng với bất kì ai thưởng thức.

“Bắt lươn đem nấu canh chua

Món ăn dân dã đâu thua thị thiềng”.

Kể chuyện làng: Xứ lục bình - Ảnh 5.

Vật dụng làm từ lục bình. Ảnh: Diệp Linh

Cứ mỗi độ hoa phượng, hoa bằng lăng, hoa sen trổ rộ nhất đã dần báo hiệu chuyển sang mùa hè. Những đứa trẻ như tôi hay cùng tụ họp lại, rồi rủ nhau ra con sông cái lớn để ngắt lục bình để chơi trò làm bánh mì thịt. Trò này thú vị lắm! 

Với lục bình, chúng tôi chia ra thành nhiều nguyên liệu khác nhau như cọng có thân phình to sẽ để làm bánh mì; còn cọng nối giữa hai nhánh lục bình tức là ngó lục bình thì làm lạp xưởng; những chiếc lá xanh rờn sẽ dùng để gói từng ổ bánh mì. Đó hẳn sẽ là kỷ niệm, khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc, không thể nào quên suốt những năm tháng tuổi thơ của trẻ em ở vùng quê sông nước.

Có dịp về quê miệt đồng, thấy những người mưu sinh bằng nghề cắt lục bình mới thấu hiểu và thấy thương họ nhiều hơn. Đa phần làm công việc này là những người phụ nữ tuổi trung niên. Giữa nắng, gió của vùng sông nước đã làm họ trở nên già dặn, nước da đen sạm đi. Hành trình mưu sinh vất vả và đầy hiểm nguy có người chống xuồng, bơi vỏ lãi cắt lục bình từ sáng sớm khi bình minh còn chưa hé rạng và kết thúc lúc mặt trời dần khuất bóng.

Có lẽ, ai cũng nghĩ rằng nghề cắt lục bình rất đơn giản và dễ làm nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Nhìn bàn tay chai sần, nước ăn khóe bàn tay, bàn chân nhiều lúc đau rát thậm chí có khi chảy máu là chuyện bình thường. Dù có  nhiều khó khăn, mồ hôi, máu và nước mắt nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì muốn cho con cái có cuộc sống tốt hơn mà họ đành chấp nhận.

Lục bình giống như một hình ảnh đặc trưng nhất khi nghĩ về những kiếp người trên sóng nước phương Nam bươn chải với cuộc đời. Dẫu lênh đênh, mặc gió giông mưa nắng, mặc vất vả lo toan, họ vẫn thủy chung cùng dòng nước với tình người chân chất ấm nồng. Ví như câu hát:

“Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi

Thương những đời như lục bình trôi”

Kể chuyện làng: Xứ lục bình - Ảnh 6.

Thành phẩm từ lục bình phơi khô. Ảnh: Diệp Linh

Ngày nay, nghề đan lục bình ngày càng phát triển, lục bình đã trở thành “vị thần hộ mệnh” cho người dân quê tôi sau việc đồng áng ngoài ruộng. Khi cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 60 cm. Đó chính là lúc thích hợp thu hoạch cây lục bình. Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình héo khô, thế là thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm lục bình. Những người đan lục bình trong xóm tôi phần đông là chị em phụ nữ trung niên. Ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, các chị thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan lục bình. Tuy chỉ là nghề phụ, nhưng nhờ khéo tay và chịu thương chịu khó, khi đã quen tay quen việc thì thu nhập từ nghề đan lục bình lại cao hơn thu nhập chính là nghề nông. Cái hay nữa là công việc này luôn có quanh năm. Nhờ sản vật trời ban, cuộc sống người dân quê tôi mang những màu sắc mới trong niềm phấn khởi, hân hoan.

Giờ đây, trong những ngày cuối tuần tôi được trở về hòa mình vào cảnh sắc yên bình nơi miền quê đồng ruộng. Tôi nhìn từng đám lục bình trôi trên sông xen lẫn cùng màu xanh của đất trời, màu xanh của lục bình như tiếp thêm sức mạnh và hy vọng cho tôi, cho người dân quê vào một tương lai tươi sáng phía trước…

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; ĐT liên hệ: 0903226305.

Văn hóa – Giải trí | Cập Nhật Thông Tin 24h Nhanh Nhất
Nguồn: Sưu Tầm

Tin tức liên quan

Zinaida Kiriyenko – Nữ diễn viên “Sông đông êm đềm” qua đời

Zinaida Kiriyenko – Nữ diễn viên “Sông đông êm đềm” qua đời

Diễn viên, nghệ sĩ nhân dân 88 tuổi người Nga, Zinaida Kiriyenko đã qua đời vào ngày 12/2 tại bệnh viện. Nữ diễn viên nhập viện vào ngày 11/12 trong tình trạng tai biến mạch máu não cấp tính. Theo … Readmore

Đọc tiếp

Yên Bái đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Yên Bái đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Tối 31/12, tại huyện Mù Cang Chải, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang … Readmore

Đọc tiếp

Xót xa ca sĩ Việt Quang qua đời ở tuổi 44: Đời nhiều thăng trầm của một ngôi sao nhưng vắn số

Xót xa ca sĩ Việt Quang qua đời ở tuổi 44: Đời nhiều thăng trầm của một ngôi sao nhưng vắn số

Danh hài Thúy Nga: “Việt Quang – ngôi sao nhưng vắn số” Trong ký ức của danh hài Thúy Nga, ca sĩ Việt Quang là người hiền lành, trầm tính và sở hữu giọng hát rất hay. Chia sẻ với … Readmore

Đọc tiếp
(x)
(x)
(X)